Lionel Messi: Đơn giản M10 không có tư chất thủ lĩnh
Messi là nhân tài hiếm có của bóng đá thế giới, điều ấy đúng là không thể phủ nhận. Nhưng người ta đôi khi định nghĩa về một huyền thoại hoàn hảo không đơn thuần chỉ là cách anh ta thể hiện với trái bóng. Đôi khi đó còn là tư chất thủ lĩnh trên sân. Về khoản này Messi hình như còn kém xa ai đó.
Cách đây 2 năm kém mấy ngày tôi có viết vài dòng về Messi, nhân ngày anh quyết định từ giã đội tuyển sau khi sút bay cúp, à nhầm bóng lên trời trong loạt pen định mệnh. Lúc ấy cũng hụt hẫng ra trò nhưng rồi cũng chỉ được mấy hôm anh quay lại, cũng tự nhủ trong lòng, quay lại rồi sẽ khác.
Nhưng mà rồi có khác là bao?
À có khác, khác ở chỗ Messi của WC năm nay không sút hụt pen trong trận chung kết (có vào được đâu mà sút) mà là sút hụt pen trong trận mở màn. Nỗi đau ở mỗi thời điểm có thể khác nhau nhưng sút hụt pen thì mùa nào cũng vài ba bận.
Kể ra thì hụt pen cũng chẳng phải tội to, ai mà chẳng từng sút trượt pen, Rô kia cũng không phải từng đôi lần bỏ lỡ? Có điều Si đen ở chỗ Si trượt ngay sau trận đối thủ lớn nhất của Si rực rỡ thăng hoa, ghi cả 3 bàn vào đội bóng cửa trên. Thế là Si bị người ta thi nhau chửi. Chửi thì cũng phải thôi, ở Argentina lúc nào cũng đầy rẫy các ngôi sao nhưng Si thì đâu chỉ là ngôi sao, Si là biểu tượng. Nhắc đến Si là nhắc đến niềm tự hào số 1 của đội bóng Nam Mỹ bấy lâu nay, ở CLB Si tung hoành ngang dọc ra sao, danh hiệu ê hề thế nào mà về tuyển Si nợ nần vinh quang chưa một lần hẹn ngày đáp trả.
Nhưng người ta vẫn rộng lượng và bao dung lắm với Si, kẻ chửi thì vẫn chửi thôi nhưng người thương thì nhiều vô số kể. Mới có một trận thì nói được bao nhiêu, cơ hội vẫn còn nguyên chờ Si thể hiện. Nhưng rồi đến trận đấu đêm qua, kẻ nhớ dai thì bao nhiêu kí ức lại ùa về, Si vẫn là Si của vài năm trước đấy thôi, có khác được bao nhiêu mà thương với xót.
Không thương được ấy là bởi cái miếng băng đội trưởng trên tay. Captain được hiểu đơn giản là người cầm đầu, người chỉ huy, thủ lĩnh. Vai trò của người đội trưởng quan trọng thế nào thì chẳng cần là người thường xuyên xem bóng cũng rõ, lúc đội nhà đang thắng không sao, lúc đang thua, lúc đang thời điểm mấu chốt thì đội trưởng là điểm tựa của cả mười người còn lại. Tuy nhiên, tựa để đi lên, để gỡ hòa, để lật ngược thế cờ hay tựa để từ thua 1 bàn thành 2, thành 3 thì lại là câu chuyện riêng của mỗi người đội trưởng.
Bao năm rồi người ta vẫn cứ mòn mỏi so sánh về kĩ thuật, về tài năng hay danh hiệu của Rô với Si, cuộc chiến ấy có thể chưa có câu trả lời nhưng câu hỏi về bản lĩnh của người đứng đầu thì từ lâu đã ngã ngũ. Hãy nhìn cái đẩy tay mạnh mẽ của Rô, hãy nghe tiếng hét tập trung của số 7 bên phía Bồ Đào Nha, hãy nhớ lại những lời động viên Joao Moutinho trên chấm 11m, cũng đừng quên vội cái chân quấn băng tập tễnh gào thét ngoài đường biên, cái khoát tay hô hào tấn công hay ra hiệu lui về phòng thủ. Đội bóng nào đó có thể tạm thời dẫn trước Bồ Đào Nha ở trên sân nhưng để Rô chấp nhận thua thì chỉ có tiếng còi kết thúc trận đấu.
Khi anh Miss Pen thì anh cũng chỉ như bao cầu thủ bình thường khác
Vì khi đang ở thế yếu người ta cần lắm những lời động viên, những cú hích tinh thần để cùng nhau cố gắng. Ai mà đá nổi khi đang thua mà nhìn ngang thì thủ lĩnh tinh thần cứ thong thả đi bộ trên sân, mặt nghệt ra như đến hạn chưa được trả lương kèm theo vài lần đỡ trán hay lắc đầu ngán ngẩm. Đến kẻ đứng đầu còn viết lên mặt chữ NHẬN THUA thì đồng đội ai còn muốn thắng. Thèm lắm một vài lời động viên, thèm lắm những lời hứa hẹn sẽ trở lại mạnh mẽ vào năm sau, năm sau nữa hay thậm chí là… mấy năm cũng chẳng sao, chứ nào ai muốn nghe lời từ giã đội tuyển quốc gia, lời lẩn tránh trách nhiệm sau thất bại ê chề đầy tiếc nuối.
Rồi lại cứ đổ lỗi cho người hâm mộ quá khắt khe, người hâm mộ quá bất công, người hâm mộ gây nhiều áp lực, sao không dành vài phút để nhìn sang phía đối thủ lớn nhất của anh. Anh bỏ lỡ pen vẫn nhiều người lao vào an ủi, đối thủ của anh lỡ pen đến một nửa thế giới nhạo báng và quay lưng, anh chỉ có những áp lực được gọi tên, còn đối thủ lớn nhất của anh thậm chí còn gồng thêm những gì người ta bịa đặt. Áp lực là gì? là liệu có là vài lần có quả bóng vàng nhưng đội nhà vẫn mua vé về ngay sau vòng loại WC? Có phải là trầy trật mãi mới qua vòng bảng Euro, có phải là những giọt nước mắt khi thua đau ngay trong trận chung kết? Nếu không, thì liệu đó có phải là những tiếng la ó tục tĩu từ cuối sân, là đôi ba lần đòi bán, là chính sự dè bỉu của fan đội nhà lúc không ghi bàn khi có cơ hội? Hay là sự chỉ trích, vùi dập và chế nhạo của báo chí và truyền thông, đến nỗi nếu có thể biến chúng thành thức ăn thì cả Châu Phi đã không còn nạn đói.
Thế nên, đôi lúc tôi lại thầm cảm ơn những mảnh vỡ mà người ta ném về phía Rô trong suốt những năm qua. Những mảnh vỡ đã xây lên một con người vững vàng trong sóng gió. Bất chấp ngoài kia người ta cứ chửi, ở bên này anh vẫn cứ bước đi, gánh nặng sẽ trôi theo những lần vi vu tắm biển, những lần hóng gió ở Ibiza. Cảm ơn cả những lần thất bại người ta đổ lỗi cho mỗi mình Rô mà không đổ lỗi cho đồng đội anh bóp team dù có vài ba lần họ… bóp thật. Cảm ơn cả những giận dữ, những hoài nghi, những bất công không đáng có, để Rô hiểu thất bại của hôm qua là của ngày hôm qua, ngày mai vẫn phải gồng lên mà chiến đấu. Nếu người ta cũng bảo bọc Rô thì có lẽ sẽ chẳng có Rô gánh team mà biết đâu lại có Rô… từ giã.
Đừng đổ lỗi cho ai nữa những người yêu mến Messi ơi, đừng là Higuain, đừng là Caballero … đổ lỗi làm chi khi mà anh vẫn là anh của năm xưa, cứ thua xong là rệu rã, đổ lỗi làm gì khi chính anh còn chưa làm tròn trách nhiệm của người thủ lĩnh trên sân, thói quen đổ lỗi hay bảo vệ bất chấp kia sẽ giết chết tham vọng và cái “lửa” của Si thôi, để rồi chẳng cần thua bởi ai, Si sẽ thua chính mình sau mỗi lần thất bại.
“Muốn ngồi ở vị trí mà không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác giác mà không ai chịu được”, câu của “Sếp”là cấm có sai. Thiết nghĩ anh Si cũng nên “Chạy ngay đi!”, đừng… thong dong mà đi bộ nữa.