Một khởi đầu mới cho Azzurri
Bóng đá Ý cần một quãng thời gian tạm nghỉ để tìm lại bản sắc năm xưa đã đánh mất
Sau khi chủ tịch LĐBĐ Italia Carlo Tavecchio từ chức như một hệ quả tất yếu sau cú ngã đầy đau đớn của Azzurri ngay tại thánh địa San Siro trước sự chứng kiến của hơn 8 vạn CĐV. Người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới tiếc thương cho màu áo thiên thanh đã từng làm mưa làm gió khắp Châu Âu và cả thế giới nhưng giờ đây mọi thứ đã thuộc về quá khứ và rõ ràng chứng kiến những gì Italia đã thể hiện, thất bại của họ là hoàn toàn xứng đáng, chính trung vệ Chiellini đã thừa nhận: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng Thụy Điển mới là đội bóng xứng đáng giành vé đi tiếp”. Có một thông tin rất đáng phải suy ngẫm đó là ngay trước trận lượt về với Thụy Điển, tờ Gazzetta dello Sport đã tổ chức một cuộc khảo sát về cơ hội giành lấy tấm vé vớt đến Nga của Italia, thì trong đó, 75% các CĐV của đội bóng xứ mỳ ống không tin vào khả năng Azzurri sẽ giành chiến thắng tại San Siro.
Vì đâu mà ngay cả những người Italia cũng ngoảnh mặt với đội tuyển con cưng của họ? Đó là do thành tích tệ hại của đoàn quân HLV Ventura khi không chỉ thảm bại 0-3 trước Tây Ban Nha, Italia còn thi đấu hết sức nhạt nhòa trong các trận đấu với các đối thủ yếu hơn như Israel, Macedonia, Albania. Lúc này đây, sa thải HLV Ventura hay chủ tịch Carlo Tavecchio từ chức là chưa đủ mà chính bóng đá Italia cần có những thay đổi và cải tổ để nhổ được cái “u nhọt” đang ngày càng ăn sâu và xói mòn cả một nền bóng đá và việc không thể tham dự World Cup lần đầu tiên sau 60 năm như là một liều thuốc để giúp Azzurri bừng tỉnh sau cơn mê man lâu ngày. Thực chất, kể từ chức vô địch World Cup 2006, đội quân áo thiên thanh đã sống lay lắt và chỉ còn là cái bóng của chính mình qua từng giải đấu. Euro 2008, người Ý với tư cách là các nhà ĐKVĐ thế giới bị loại ngay ở vòng tứ kết, rồi thê thảm hơn là 2 kỳ World Cup liên tiếp 2010, 2014 bị loại từ vòng bảng. Ngay cả những thành tích hiếm hoi đạt được ở Euro 2012 và 2016 chỉ là dấu ấn cá nhân của huấn luyện viên và các cựu thần chứ không phải là mặt bằng chung của cả nền bóng đá Ý. Có thể thấy, người Ý bước vào mỗi giải đấu một cách đầy vội vàng, khẩn trương, hay nói cách khác là khá hời hợt và để rồi cái bóng trì trệ ấy cứ kéo dài từ năm nay qua năm khác, từ kỳ Euro rồi đến World Cup, và để rồi 11 năm đã qua kể từ chức vô địch thế giới tại Đức, bóng đá Ý vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Ai biết được, nếu Ý vượt qua Thuỵ Điển, giành được tấm vé đến Nga vào mùa hè năm sau, liệu họ có tái hiện được thành tích của hai lần tham dự trước hay vẫn chìm sâu trong bế tắc.
Nỗi đau nào rồi cũng sẽ lành lại qua thời gian, điều cần thiết là bóng đá Ý cần vực dậy tinh thần và chuẩn bị tốt nhất cho những giải đấu tiếp theo
Bóng đá Ý cần một quãng nghỉ cần thiết để họ tiến hành một cuộc đại tu toàn diện từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến các giải đấu trong hệ thống chuyên nghiệp như Seria A, Seria B… hay thậm chí là các giải đấu nghiệp dư đều cần thay đổi toàn bộ. Không nói đâu xa, hãy thử nhìn những CLB của Serie A đang sử dụng những cầu thủ như thế nào khi mà trong đội hình của Napoli chỉ có đúng 1 cầu thủ Italy là thường xuyên được đá chính, thậm chí AS Roma trong nhiều trận đấu không dùng một cầu thủ bản địa nào trong đội hình ra sân. Một Juventus vốn nổi tiếng về “chất Italy” cũng chỉ có đúng 3-4 cầu thủ Italy có tên trong danh sách thi đấu, trong khi đó một ông lớn khác là Inter Milan bình quân chỉ đưa ra sân mỗi tuần đúng 2-3 cầu thủ bản địa trong đội hình xuất phát. Ngay cả, ĐTQG Italy cũng khan hiếm chân sút ngôi sao đến mức 12 tháng qua phải triệu tập cả những Leonardo Pavoletti, Gianluca Lapadula, Roberto Inglese, Nicola Sansone không mấy tên tuổi.
Thực chất, Italia vẫn còn những lứa măng non rất đáng mong chờ như Jorginho, Donnarumma, Rugani, Belotti, Insigne, Verratti, Gagliardini… và 3 năm cho kỳ EURO 2019 sẽ là quãng thời gian không quá dài nhưng vừa đủ để những tài năng trẻ trưởng thành và hoàn thiện bản thân. 3 năm cũng sẽ là chiếc đồng hồ cát cần thiết để bóng đá Ý chấn chỉnh lại từ trên xuống dưới, từ chiến lược phát triển đến chiến thuật trên sân bóng, từ việc duy trì bản sắc đậm chất Italia đến việc học hỏi, bắt kịp với xu hướng của bóng đá hiện đại, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Thà Italia chấp nhận không được tham dự World Cup để điều chỉnh, cân bằng lại chính mình chứ đừng sống tạm bợ, vất vưởng như những giải đấu trước đó.
Thanh Huyền