Nợ công là gì? Hiểu đúng bản chất của nợ công?
Thời buổi kinh tế thị trường, khái niệm nợ công được nhắc đến nhiều tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ nợ công là gì? Hãy tìm hiểu rõ về bản chất của nợ công và tác động của nó tới nền kinh tế xã hội.
Contents
Nợ công là gì?
Thực tế có nhiều quan điểm hay cách hiểu khác nhau về nợ công. Điều này tùy thuộc vào mỗi nền kinh tế của từng đất nước. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nợ công thường bao gồm: nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh. Một số quốc gia khác như: Bungari, Rumani… nợ công còn bao gồm nợ của chính quyền địa phương. Hay tại Thái Lan nợ công còn bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước phi lợi nhuận.
Vậy tại Việt Nam, nợ công là gì? Theo Luật Quản lý nợ công năm 2009 quy định, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Có thể hiểu cụ thể, nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của pháp luật.
Nợ chính phủ không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành.
Hiểu rõ bản chất của nợ công
Đằng sau khái niệm nợ công là gì còn có bản chất sâu xa cần tìm hiểu rõ. Nợ công thực chất xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ. Khi chi tiêu của chính phủ lớn hơn số thuế, phí, lệ phí thu được, Nhà nước buộc phải đi vay (có thể vay ở trong hoặc ngoài nước) để chi tiêu và trang trải thâm hụt ngân sách. Hầu hết chính phủ sử dụng các khoản vay nợ để tài trợ cho các hoạt động chi ngân sách.
Để có tiền hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn của các khoản vay, Nhà nước sẽ phải thu thuế tăng lên để bù đắp. Nợ công và đánh thuế có mối quan hệ phụ thuộc và tỷ lệ thuận với nhau. Vì vậy, nợ công thực chất là cách đánh thuế dần dần. Nợ công thể hiện sự chuyển giao của cải từ thế hệ sau cho thế hệ hiện tại, tức là từ thế hệ phải đóng thuế cao cho thế hệ được giảm thuế. Hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất nợ công.
Vay nợ để lại gánh nặng cho thế hệ tương lai
Theo John M.Keynes (1883-1946) một nhà kinh tế học cổ điển nửa đầu thế kỷ XX, việc vay nợ của chính phủ làm giảm nguồn vốn tích lũy của quốc gia. Do vậy, số thuế cắt giảm được bù đắp bằng cách vay nợ nên khuyến khích thế hệ hiện tại tiêu dùng nhiều hơn, lạm phát có thể tăng cao nhưng số người thất nghiệp lại giảm đi. Dù vậy thì việc vay nợ vẫn được coi là để lại gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai.
Giảm thiểu tác động của thuế tới hoạt động kinh doanh
Trái lại, những nhà kinh tế học vĩ mô cổ điển thập niên 70 của thế kỷ trước đứng đầu là Ricardo-Barro hay J.B.Say lại có quan điểm khác. Đó là biện pháp bù đắp nợ chính phủ bằng cắt giảm thuế không kích thích sự chi tiêu của nền kinh tế trong ngắn hạn. Bởi việ này không làm tăng thu nhập thường xuyên của các cá nhân mà chỉ lùi hạn khoản thuế từ hiện tại sang tương lai. Có thể đánh gia chính sách cắt giảm thuế và tài trợ bằng vay nợ sẽ không gây ra tác động thực sự đối với nền kinh tế. Nói cách khác, vay nợ cũng là cách “lưu thông thuế” để giảm thiểu những tác động tiêu cực của thuế đối với chu trình kinh doanh.
Phương thức vay nợ công
Việc đi vay của chính phủ có thể thực hiện bằng nhiều hình thức. Nhà nước có thể vay tiền trực tiếp từ các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc qua phát hành trái phiếu.
Riêng về phát hành trái phiếu, trái phiếu chính phủ được phát hành bằng nội tệ. Hình thức này được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủ có thể tăng thuế hoặc in thêm nội tệ để thanh toán cả gốc lẫn lãi.
Phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ có nhiều rủi ro hơn so với phát hành trái phiếu bằng nội tệ. Đó là trường hợp ngoại tệ trong nước có thể khan hiếm không đủ để thanh toán hoặc chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Về thời hạn, nợ công có các thời hạn:
- Ngắn hạn là dưới 1 năm
- Trung hạn là dưới 10 năm
- Dài hạn là trên 10 năm
Ngưỡng nợ công hợp lý
Hiện nay trên thế giới không có quy chuẩn cụ thể nào cho ngưỡng vay nợ công. Vay nợ công phụ thuộc hoàn toàn vào “sức khỏe” một nền kinh tế.
Mỗi quốc gia lại có các tiêu chuẩn khác nhau về xác định an toàn về nợ công. Thông thường các tiêu chí này sẽ dựa vào đánh giá thực trang nợ, chính sách tài khóa, tình hình giải ngân, nhu cầu đầu tư… Đặc biệt, các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới là Quỹ tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới mỗi năm đều đưa ra hệ số tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng đưa ra khuyến nghị về ngưỡng an toàn nợ nước ngoài theo phân loại chất lượng khuôn khổ thể chế để các nước tham khảo.
Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia của WB và IMF đều khẳng định rằng không nên dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ.
Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam - TS. Benedict Bingham nhận định, khi xem xét nợ công của một nước cần phải xem các nước có nền kinh tế tương tự, đánh giá xem các nước này có ngưỡng nợ như thế nào. Điều cần thiết là hiểu được quy mô, phạm vi thực tế và mục đích sử dụng các khoản vay của đất nước đó.
Hiện nay ngưỡng nợ của các nước trên thế giới rất khác nhau, phụ thuộc vào từng khu vực. Ví dụ hiện nay, tất cả các nước trong nhóm Eurozone (các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu là Euro) quy định mức trần nợ công là dưới 60% GDP và cho phép thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP.
Ảnh hưởng của nợ công tới nền kinh tế
Nợ công có tầm ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nền kinh tế. Cùng tìm hiểu về lợi ích và tác động xấu của nợ công đối với một quốc gia.
Lợi ích của nợ công
Bất lỳ một khoản tiền nào cũng đem lại những giá trị của nó. Nhà nước chấp nhận vay tiền tức là xác định rõ những lợi ích của khoản vay đó đối với sự phát triển đất nước.
Trước hết, các khoản vay nợ công góp phần gia tăng nguồn lực cho Nhà nước. Từ đó, nhà nước tăng cường nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước. Khi nguồn vốn dồi dào, nhà nước có điều kiện tốt hơn để xây dựng - phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ nhanh chóng và đồng bộ.
Thứ hai, huy động nợ công trong nước chính là tận dụng nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư. Thay vì nguồn tiền nhàn rỗi bị bỏ quên lãng phí, không được sử dụng để sinh lời thì Nhà nước tận dụng nó vào các mục đích cần thiết, đầu tư và phát triển ở cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước.
Đối với các khoản vay nước ngoài, Nhà nước có thể tranh thủ tận dụng nguồn vốn ưu đãi của các Tổ chức quốc tế, các nước ngoài theo hình thức hợp tác kinh tế song phương hoặc đa phương. Các nguồn tài trợ nước ngoài thường đi kèm với những ưu đã nhất định và thỏa thuận ràng buộc. Do đó, Nhà nước vừa tranh thủ được nguồn vốn tốt vừa đồng thời có có cơ chế giám sát sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.
Tác động tiêu cực của nợ công
Bên cạnh những lợi ích thiết thực thì nợ công cũng có những tác động xấu tới nền kinh tế đất nước.
Nợ công có trở thành nợ xấu hay không phụ thuộc vào năng lực quản lý tài chính của một nền kinh tế. Trách nhiệm hoàn trả nợ công sẽ gây áp lực về chính sách đầu tư trong nước, chính sách thuế…
Nguồn vay dồi dào nếu không được quản lý chặt chẽ dễ gây ra nạn tham nhũng, thất thoát lãng phí. Mỗi hoạt động sử dụng nguồn vốn không hiệu quả có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác như dạng nợ chồng nợ, hiệu ứng domino…
Tóm lại, nguồn vay nợ công đem lại nhiều lợi ích thiết thực giúp tái thiết và xây dựng và đất nước. Để nợ công không trở thành gánh nặng tài chính của nền kinh tế, Nhà nước cần triển khai nhiều chính sách nghiêm ngặt nhằm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn vay, tránh thất thoát, lãng phí.